Khi retouch một bức ảnh với lightroom (hoặc photoshop hay một phần mềm chỉnh sửa ảnh bất kỳ) có một công cụ mà nhà sản xuất đã ưu ái cho bạn và bạn nên thành thục nó càng sớm càng tốt: Histogram. Nếu bạn biết và giải thích được histogram thì bạn đã hiểu được lý do tại sao cần phải chỉnh sửa bức ảnh của mình.
Histogram
Histogram dịch sát nghĩa là biểu đồ tần suất, hẳn là quá quen nếu đã kinh qua môn học trời đánh Xác suất thống kê.
Biểu đồ tần suất hay biểu đồ thống kê tần suất là biểu đồ thể hiện tần số phân phối (phân phối xác suất) của một đối tượng được trong một nhóm được khảo sát (không gian mẫu) sau quá trình thống kê. (dài dòng và khó hiểu quá)
Cho dễ hình dung, giống như việc bạn vẽ một cái biểu đồ thống kê theo độ dài của cánh hoa trong cửa hàng hoa.
/Iris_Petal_Length_Histogram-5975f5a0d088c000102f759e.jpg)
Histogram trong lightroom
Histogram trong lightroom thực ra là Pixel Value Histogram: Biểu đồ tần suất giá trị pixel. Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra là nó đang thống kê lại tần suất xuất hiện của các pixel với các giá trị khác nhau, đang tồn tại trên tấm ảnh của bạn.
Tuy nhiên trước khi tìm hiểu đọc histogram để làm gì và đọc như thế nào, chúng ta nên đi tìm hiểu kỹ hơn một tí về digital photography nhé 😉 nó là một phần trong môn xử lý ảnh đấy!
Dải sáng (Light range)
Hay cụm từ thường gặp là Dynamic Range, cũng chính là Dải sáng, hay Dải tần nhạy sáng.
Mắt chúng ta có một vùng sáng mà mắt có thể nhìn thấy được. Trong trường hợp xung quanh bạn không có một tia sáng nào, rõ ràng là bạn không thể nhìn thấy gì, nhưng khi có một tia sáng le lói thì mắt của bạn có ghi được một vài hình ảnh nhập nhòe, chỗ rõ chỗ không. Với vùng sáng chói mắt bạn cũng ghi lại hình ảnh tương tự, khi bạn nhìn vào chỗ có ánh sáng mạnh, đương nhiên bạn cũng không thấy gì. Phạm vi ánh sáng từ cường độ ánh sáng thấp nhất đến cường độ ánh sáng cao nhất mà mắt có thể thấy được hình ảnh được gọi là dải sáng (light range). Các máy ảnh cũng dùng cơ chế tương tự. Tuy nhiên dải sáng của máy ảnh lại hẹp hơn nhiều so với mắt người.
Đối với máy chụp ảnh phim, dải sáng phụ thuộc vào phim, phim âm bản là loại phim có dải sáng lớn nhất, được sử dụng nhiều nhất, nhưng mà tráng phim ra thì thấy màu âm bản thôi, phải “rọi” ra giấy (hay in ảnh) thì mới thấy có màu.
Quay lại với máy kỹ thuật số, máy kỹ thuật số có dải sáng phụ thuộc vào sensor, theo thông tin mình có đọc được thì dải sáng của sensor máy ảnh chỉ ngang ngửa so với phim âm bản, và đang càng ngày càng được cải thiện.

Một stop là nhiều gấp đôi hoặc giảm một nửa số lượng ánh sáng cho phép khi chụp ảnh. (Giải thích stop chi tiết hẹn bài khác nhé 😉 )
Histogram chia light range thành 255 bước, từ giá trị 0 (đen hoàn toàn) đến 255 (trắng hoàn toàn) và nằm trên trục hoành của biểu đồ. Trục tung đương nhiên sẽ là tần suất phân phối của các pixel tương ứng với 255 giá trị trên trục hoành. Do đó, một phần ba bên trái của biểu đồ thể hiện cho thuộc tính shadow (phần thuộc về dark tone) ở trong phần shadow lại có phần black (chiếm 1/3 shadow), ở giữa sẽ là mid-tone, và một phần ba cuối cùng bên phải là phần highlight và chiếm 1/3 trong highlight là whites. Đấy, vậy là thấy có liên quan với phần một rồi nè 🙂

Có lẽ chúng ta không nên đi sâu vào việc tính toán histogram và làm thế nào để ứng dụng histogram trong việc xử lý ảnh chuyên sâu, đó là công việc của mấy bạn Khoa học máy tính 🙂 nhưng mà bật nắp chai một tí, từ histogram, ta có thể suy ra hình thái chung của tần số phân tán (frequency distribution), tính đối xứng (symmetry) và độ lệch (skew), thể thức của phân tán: đơn, đa, hay đôi, …..
Thông thường thì trong digital photograph có 3 loại histogram được sử dụng:
- Histogram theo kênh màu: Red/Green/Blue
- Histogram tổng hợp RGB (gom cả 3 kênh)
- Luminosity thể hiện độ sáng (thường dùng với gray scale, hoặc ảnh đen trắng)
Đánh giá một bức ảnh thông qua histogram
Lan man phía trên đủ rồi, quay lại với công việc retouch bức ảnh.
Nhắc lại một tí, không có gì là chuẩn mực, histogram của tấm ảnh phụ thuộc vào mục đích, thể loại, hiệu ứng và tác giả muốn truyền đạt gì trong bức ảnh đó. Đẹp xấu là quan điểm cá nhân mà 🙂
Một bức ảnh với histogram trải đều từ vùng shadow đến highlight, đặc biệt là trong vùng mid-tone, ít hoặc không có pixel xuất hiện trong vùng black và whites được xem là một bức ảnh “well exposed “. Việc ít pixel trong vùng shadow và highlight thể hiện rằng bức ảnh không quá sáng hoặc quá tối, không cháy sáng hoặc quá bết bát, các chi tiết được thể hiện rõ nhất.

Khi histogram của bạn tự dưng dồn hết sang phía bên phải, nghĩa bức ảnh đang bị sáng quá lố rồi đấy. Và nếu pixel đang dồn hết ở cạnh bên phải của biểu đồ thì phần lớn cái ảnh của bạn đang chứa màu trắng 🙂 và xin chia buồn với bạn, hoàn toàn không có chi tiết nào trong mấy cái vùng trắng sáng đó. Nếu bức ảnh được nén dưới định dạng JPG thì lại xin chia buồn lần hai, không có cách nào cứu vãn chi tiết ở vùng cháy của bức ảnh nữa rồi.

Ngược lại với cháy sáng, khi bức ảnh quá tối, thiếu sáng, mật độ pixel sẽ dồn hết sang bên trái của biểu đồ. Và cũng có hai lần chia buồn với bạn như phía trên.

Có một trường hợp đặc biệt với histogram, đó là khi cái biểu đồ nhìn như cái lược, với các răng nhọn, dài và thưa. Khi điều này xuất hiện tức là tấm ảnh đó nên được vứt đi, trừ phi bạn có mục đích nào khác với nó. Hair-comb histogram là trường hợp bức ảnh bị thiếu rất nhiều thông tin, và với mình thì đó là một “shoot” thất bại.
Trên đây là tất cả cơ bản về histogram, dựa vào hình thái của histogram và các vùng được chia trên trục hoành, bạn hoàn toàn có thể làm chủ phần retouch bức ảnh sao cho đúng sáng trước khi blend màu cho nó 🙂 Good luck!
À khoan, còn một phần nâng cao với histogram: đọc hiểu màu sắc được thể hiện trên histogram, clipping, cân đối contrast với histogram xin khất cho mấy bài tìm hiểu sâu hơn nhé 😉
Thân ái và quyết thắng!