Theo đơn đặt hàng của cu em: Retouch ảnh trên lightroom và Blend ảnh như thế nào cho đúng? Thực ra mà nói retouch và blend ảnh không có chuyện đúng hay sai, và quan điểm đẹp xấu là của mỗi cá nhân. Có thể với mình chuẩn mực này là đẹp, nhưng với người khác nó chưa đẹp. Vì thế, hãy cứ blend theo ý thích của mình là được 🙂
Theo mình, một bức ảnh thực sự đẹp là một bức ảnh có đầy đủ chủ thể, nội dung, chi tiết, bố cục hợp lý. Và trên hết, để một bức ảnh có thể truyền tải cảm xúc trọn vẹn của người chụp đến người xem thì ngoài góc chụp (bố cục) và chủ thể thì ánh sáng và màu sắc quyết định phần lớn cảm xúc. Như ví dụ trong hình bên dưới

Vậy những tác phẩm đen trắng thì sao, thì nó không nằm trong phạm vi bài này 🙂 nó là một trường phái nghệ thuật riêng biệt rồi nhé.
Quay lại với retouch & blend, để hậu kỳ hoàn chỉnh một bức ảnh, mình phân ra hai bước: Retouch và Blend.
- Retouch là đưa hình đã chụp về trạng thái gần với mắt người nhìn nhất có thể. Để bức ảnh đúng sáng, giữ được chi tiết, vâng vâng và mây mây, …
- Blend là bước hòa trộn, chỉnh sửa các dải màu sắc tồn tại trên tấm ảnh, thêm bớt kênh màu để mang lại cảm xúc muốn truyền đạt.
Mối tương quan giữa màu sắc và ánh sáng
Trong nhiếp ảnh, có một thông số được gọi là nhiệt độ màu (color temprature). Nhiệt độ màu là đặc trưng của ánh sáng và được đo bằng độ K (Kelvin).
Quá trình bức ảnh được sinh ra là do ánh sáng được ghi lại trên sensor của máy ảnh. Sensor đóng vai trò giống như một tấm phim lưu giữ các mức độ của ánh sáng. Theo vật lý lớp 9 hay 11 gì đó, ánh sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời) là sự hòa trộn của 7 sắc độ khác nhau, đi từ bước sóng dài đến bước sóng ngắn: Đỏ Cam Vàng Lục Lam Chàm Tím. Vì vậy tùy điều kiện môi trường xung quanh mà sensor có thể ghi lại ánh sáng nào nhiều hơn.
Ánh sáng có độ K cao hơn thường chứa nhiều ánh sáng màu xanh tím (blue) và ngược lại, ánh sáng có độ K thấp hơn thường chứa nhiều ánh sáng màu đỏ hơn. Điều này làm cho bức ảnh được phủ lên một lớp màu đặc trưng cho nhiệt độ ánh sáng với điều kiện chụp tại thời điểm chụp nên bức ảnh đó.

Ví dụ chụp một bức ảnh vào lúc hoàng hôn sẽ cho bức ảnh có nhiều màu đỏ và vàng, tuy nhiên, chờ đến mặt trời khuất sau chân trời, lúc này những bức ảnh chụp ra sẽ có màu xanh và tím đặc trưng.
Và như trên ví dụ có chỉ ra rằng, khi còn mặt trời thì ánh sáng mang nhiều sắc đỏ và vàng (thậm chí là cam). Nhưng khi ánh sáng yếu dần thì nhiệt độ màu tăng dần. Đây là mối tương quan giữa ánh sáng và màu sắc.

Tuy nhiên, khi ánh sáng mặt trời sáng nhất (thường là lúc 12h trưa đến 2h chiều), thì ánh sáng lúc này gần như là ánh sáng trắng, nhưng cường độ ánh sáng cao. Vì vậy lúc này khó có thể nói ảnh chụp mang màu vàng hay màu xanh (vì có thể ánh sáng ngả trắng nên cân bằng trắng đã rất tốt rồi 🙂 )
Vậy màu sắc và ánh sáng có tương quan mật thiết với nhau, và lưu ý này sẽ được áp dụng vào retouch bên dưới.
Retouch step 1
Ơ thì để tập trung vào chỉnh sửa thông số và blend, các bạn cứ coi như đã hoàn thành các bước như xóa rác và crop bức ảnh, xoay tới xoay nghiêng cho nó đẹp nhé 😉
Khi mở một bức ảnh trên lightroom, việc đầu tiên khi retouch là gì? Có nhiều bạn, nhiều người theo trình tự các thông số trên lightroom, và bắt đầu chỉnh từ trên xuống dưới.

Nhưng mà, theo mình đầu tiên phải đưa bức ảnh về đúng sáng của nó. Đúng sáng là sao? Là không quá tối, không quá cháy, có được chi tiết chúng ta cần, vậy là đủ (ơ nhưng mà nên biết đọc histogram một tí). Vậy cái thông số nào làm cho bức ảnh đúng sáng: EXPOSURE. Nếu ảnh cháy, thì giảm, ảnh tối thì tăng.
Oke, quá đủ để sang bước thứ hai.
Retouch step 2
Sau khi có bức ảnh với độ sáng phù hợp, lúc này mới đi tùy chỉnh hai thành phần tone màu chính: Temperature và Tint.
Lúc này khi ảnh đủ sáng thì việc cân bằng trắng mới mang lại kết quả khả thi nhất. Như có đề cập trên kia, độ sáng của ánh sáng có ảnh hưởng đến temperature của cả bức ảnh, nên ưu tiên cân sáng trước cân trắng, đơn giản vậy thôi 🙂
Retouch step 3
Highlight, shadow, white và black.
Hightlight là điều chỉnh vùng ánh sáng sáng nhất trên bức ảnh, hay nôm na là những vùng ánh sáng gần về trắng. Một bức ảnh bị cháy là bức ảnh có vùng highlight quá lớn.
Mẹo nhỏ: Giảm highlight để có thể lấy chi tiết trên vùng trời như mây (nếu ảnh có chất lượng tốt)
Sau khi chỉnh các thông số của highlight, hãy nhảy ngay xuống phần white, white là để điều chỉnh thêm hoặc giảm bớt màu trắng vào vùng sáng trên ảnh. Giảm white thì vùng sáng được đưa về tiệm cận 50% gray (50% white, 50% black). Tăng white để thêm màu trắng vào. Thường thì white được dùng kèm với black để tái tạo độ tương phản mà không cần dùng đến contrast, hoặc đơn giản là trả lại vùng màu trắng trong bức ảnh.
White lại dùng kèm với Black, nhưng mà gượm tí, quay lại shadow, điều chỉnh để lấy được chi tiết ở trong bóng râm, vùng tối. Lưu ý đừng làm dụng quá, vì khi tăng shadow, khả năng cao bức ảnh phải trả giá bằng noise, mà khi noise nhiều quá thì bức ảnh chả đẹp đẽ tí nào, chưa kể chả cứu được tí chi tiết chút xíu nào cả. Dùng vừa phải thôi.
Giống highlight, shadow cũng tiệm cận về 50% gray, tuy nhiên, kéo shadow lên cao nhất là màu xám, thấp nhất là màu đen, trái với highlight, thấp nhất là xám, cao nhất là white.
Cuối cùng là black, cơ bản là trái ngược với white, trả lại các vùng tối hoặc gần tối về màu đen. Khi cân chỉnh white và black, tái tạo được contrast, mà không cần hoặc ít cần dùng đến thanh contrast. Lưu ý cuối cùng, cũng đừng quá lạm dụng white và black, vì làm cho bức ảnh trở nên bết bát khó nhìn.
Sau 3 step cơ bản thì bức ảnh cơ bản đã đúng sáng và đúng màu. Công việc tiếp theo là blend, hòa trộn màu sắc và những hiệu ứng vui vẻ trên bức ảnh 🙂