Cưỡi xe máy an toàn hơn, tại sao không?

Xe máy là bạn, không phải đồ dùng :'(
Mình đi với nó hàng ngày, mình ngồi xe máy đi làm, đi chơi, đi ăn, … vậy tại sao chúng ta không xây dựng thói quen tốt đẹp cho cả hai 😉

Cưỡi chiếc xe máy tưởng dễ mà lại khó. Cho đi để nhận lại, bạn muốn chuyến đi an toàn, êm ái, thoải mái và nhẹ nhàng, hãy chăm sóc chiếc xế cưng của mình thật tốt trước đã. Chuyện thứ hai cần làm là xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn và xe thông qua những thói quen tốt.

Nguyên tắc thứ nhất – Nâng niu bàn chân Việt

Hãy chăm sóc cho đôi chân của chiến mã thật tốt, hãy cho nó một bộ lốp thật phù hợp (hợp với túi tiền của bạn, và hợp với loại đường bạn đi thường xuyên nhất). Nếu bạn chỉ di chuyển trong phố, vào những ngày khô ráo, bộ lốp ít rãnh, ít gai là lựa chọn tuyệt vời cho sự êm ái. Nếu bạn thường xuyên thích tắm mưa, đường thì ẩm ướt, một bộ lốp nhiều rãnh thoát nước sẽ mở lối đi cho chiến mã của bạn. Nếu bạn hay đi đường hỗn hợp đất cát đá, hoặc bùn lầy thì một bộ lốp gai off-road sẽ làm chiến mã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Điều quan trọng không kém bộ lốp là “phuộc nhún”. Lốp là phần tiếp xúc với mặt đường, chịu tải thì phuộc nhún là bộ phận quan trọng giúp chuyến đi đỡ mệt mỏi hơn. Bạn có biết phuộc nhún phải chịu toàn bộ lực phản hồi sau khi chiếc xe của bạn vượt qua một gờ mấp mô? Phuộc còn phải gánh toàn bộ rung chấn từ mặt đường, hấp thụ bớt đi để bạn không bị mỏi tay, ê mông.
Vì là phần trung gian giữa sườn xe và lốp, phuộc phải chịu một lực vặn xoắn không hề nhỏ, giúp xe ổn định trên những cung đường xấu, và đặc biệt trong những khúc cua.
Hãy trân trọng nó, như trân trọng đôi chân của mình, vì trên xe, nó là chân của mình đấy.

Nguyên tắc thứ hai – 7 trước 3 sau

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao những chiếc xe phân khối lớn thường có bộ phanh dĩa trước rất lớn, ngầu, mắc tiền, thậm chí là có tận 2 dĩa phanh?

BMW R1200GS – Chiếc Adventure nổi tiếng và nhiều tiền của BMW

Những kỹ sư, những kỹ thuật viên các đội đua xe nổi tiếng đã nghiên cứu rất kỹ và đúc kết được rằng, phanh trước an toàn hơn phanh sau, nhưng khi đáp ứng đủ ba yếu tố:

Thứ nhất: Phanh từ từ, phân bổ lực đều dần từ phanh trước ra phanh sau. Nghĩa là không được hoảng quá mà siết chặt phanh trước (xòe đấy), hãy luyện tập siết phanh từ nhẹ đến mạnh (đương nhiên trong một khoảng thời gian ngắn vừa đủ). Nếu chiếc xe cần 10 phần lực phanh thì hãy để 7 phần cho phanh trước, phanh sau 3 phần. Hãy sử dụng phanh trước nhuần nhuyễn, và ngay lập tức, trước khi dùng phanh sau ở một dải tốc độ an toàn.

Thứ hai: Hãy cố giữ chiếc xe thẳng đứng trước khi quyết định bóp phanh. Kỹ thuật này được gọi là Kỹ thuật phanh muộn. Khi bạn dựng chiếc xe thẳng, phần tiếp xúc giữa lốp và mặt đường lớn hơn, phanh sẽ hiệu quả hơn, chiếc xe cũng không có hiện tượng bị trượt sang hai bên (slide) và dễ kiểm soát hơn. Cần luyện tập thành phản xạ để xử lý đủ an toàn.

Thứ ba: Không nên dùng chỉ phanh trước hoặc chỉ phanh sau, trừ một số trường hợp nhất định (ví dụ đường cát/đất/sỏi chỉ sử dụng phanh sau). Hãy cố gắng sử dụng cả hai phanh, phanh trước trước và phanh sau sau.

Hãy luyện tập thật nhiều 😉

Nguyên tắc thứ ba – Nhìn xa trông rộng

Tầm nhìn là điều quan trọng nhất khi điều khiển chiếc xe.
Não cần một khoảng thời gian delay để tiếp nhận thông tin, xử lý chúng, và gửi tín hiệu đến các phần khác trên cơ thể để hành động. Vì vậy hãy nhìn xa một tí, tầm nhìn khái quát một xíu để có thể xử lý mọi tình huống trên đường.

Từ kinh nghiệm bản thân, mình rút ra được một vài con số gần đúng:
Xe mình nặng 104kg, mình tầm 65kg.
– Đi một mình, tốc độ 60km/h trước khi phanh. Cần hơn 12 mét để chiếc xe dừng hẳn (nếu chỉ sử dụng phanh).
– Đi một mình, tốc độ 40km/h trước khi phanh, cần hơn 8 mét để chiếc xe dừng hẳn (nếu chỉ sử dụng phanh).

Nếu chở nặng, hoặc đi hai người, quãng đường dừng lại của xe sẽ dài hơn nữa, do lực quán tính. Vì vậy, khi đi tốc độ 40km/h, hãy để tầm nhìn ra xa phía trước lớn hơn hoặc bằng 8 mét. 60km/h, hãy nhìn xa hơn 12 mét để có quyết định đúng đắn 😉 Và quan trọng là hãy chú ý, tập trung và luyện tập thật nhiều.

Nguyên tắc thứ tư – Gương

Điều này thực sự cần nhưng nhiều người lại thường bỏ qua. Hãy gắn một chiếc gương đủ tốt, ít nhất là nhìn được phía sau có ai ở trong gương. Khi bạn cần sang trái, cố gắng nhìn gương bên trái, bên phải hãy làm tương tự, để tránh va chạm với các phương tiện khác ở phía sau, và đang muốn vượt lên bạn.

Hơn nữa có chiếc gương giúp bạn tự tin hơn, khi bạn biết phía sau mình là ai, đồng đội hay kẻ bất hảo dọc đường 😉

Nguyên tắc thứ năm – Dòng đời ngả nghiêng

Khi vào khúc cua, do lực hướng tâm, chiếc xe của bạn sẽ có xu hướng nghiêng vào trong. Và tin mình đi, hãy nghiêng theo chiếc xe của bạn. Hãy để vật lý làm điều nó giỏi nhất, việc của bạn là tự tin giữ đều ga trong toàn bộ khúc cua, và nghiêng theo chiếc xe của mình. ĐỪNG cố gắng nghiêng người theo hướng ngược lại, khi bạn làm vậy vô tình đang thực hiện hành động “đè” chiếc xe của mình xuống bằng khối lượng của bản thân, và nếu tốc độ không ổn định, bạn sẽ xòe.

Hãy nghiêng theo xe, nhẹ nhàng thôi, và nhớ giữ đều ga để chiếc xe qua được góc cua mà không làm một đường tròn rộng dần ra phía lane bên kia đường. Điều này thực sự quan trọng mà mọi người thường hay mắc sai lầm. Khi vào cua không nên giảm tay ga, chiếc xe mất lực bám, mọi lực sẽ dồn dần về bánh trước, làm chiếc xe mất ổn định. Hơn nữa, giảm tốc độ đồng nghĩa lực hướng tâm sẽ giảm dần khi vào cua, chiếc xe sẽ phải đánh một vòng cung thật là lớn, khả năng cao là qua lane bên kia luôn đấy.
Cố gắng giữ ga đều. Khi thấy gần hết khúc cua, hãy lên ga nhẹ để chiếc xe lấy lại thăng bằng và ra khỏi góc cua như một vận động viên chạy xe thứ thiệt.

Ref. https://driver61.com/uni/corner-phases/

Và hãy cố gắng luyện tập thật nhiều, để mọi thứ trở thành phản xạ 😉

Chúc bạn lái xe an toàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *